Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận xét: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Từ xưa đến nay, mỗi khi đất nước bị xâm năng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Tinh thần yêu nước cũng được Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Trông vào lịch sử cũng dài nhiều nghìn năm của dân tộc Việt Nam, từ Văn Lang, Âu Lạc cho đến nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người quan sát có thể thấy ngay rằng các tư tưởng chủ đạo, cái “lý thường hằng” nhất, quán triệt cổ kim, là chủ nghĩa yêu nước, chống xâm lăng, bảo vệ sự tồn tại của dân tộc, là tư tưởng” không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại, ở đây bản chất Việt Nam biểu lộ rõ ràng, đầy đủ, tập trung nhất hơn bất cứ chỗ nào khác. Yêu nước thành một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam”.
Yêu nước là giá trị văn hóa truyền thống hàng đầu và là sức mạnh nội sinh trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ khi có sự soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước thể hiện đồng hành với khát vọng dân giàu, nước mạnh. Do đó, những hành động trái với khát vọng này chính là kẻ địch của truyền thống yêu nước. Trong đó, một trong những kẻ địch nguy hiểm là các luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Cho nên, hiện nay, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, một trong những yếu tố cần thiết là phát huy động lực của truyền thống yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Nội dung bài viết
- Mở đầu
Lòng yêu nước là tình yêu, sự tôn trọng khắc sâu trong tim đối với quê hương, đất nước và đó là phẩm chất cao quý của mỗi người. Lòng yêu nước thể hiện ở hành động sẵn sàng đứng ra giúp đất nước mỗi lúc nguy nan, đó là một thứ tình cảm thiêng liêng mà người dân dành cho đất nước mình.
Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, giữ gìn và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa là yêu cầu tất yếu để tạo nên sức mạnh của một quốc gia, một dân tộc. Đối với Việt Nam, đó là việc khơi dậy sức mạnh của truyền thống yêu nước, bởi vì: “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó vượt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn”1. Thật vậy, sức mạnh của lòng yêu nước như một dòng thác mạnh mẽ giúp dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Yêu nước tạo thành sức mạnh để mỗi người Việt Nam cùng gắn kết nhau lại để xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và hiện nay, yêu nước chính là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là đấu tranh chống lại các lực lượng thù địch bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Nhân dân và bảo vệ tảng tư tưởng của Đảng.
2. Nội dung
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước của dân tộc Việt Nam, tình cảm gắn kết giữa người với người, giữa người với quê hương ngày càng bền chặt. Đó là sự gắn bó với mảnh đất mà biết bao thế hệ con người đã trưởng thành, đã hy sinh kể cả tính mệnh để giành lấy và xây dựng. Trên mảnh đất hình chữ S này, các thế hệ người Việt Nam đã đương đầu, chinh phục và hòa vào thiên nhiên, gây dựng nên xóm làng sung túc. Cũng trên mảnh đất hình chữ S này, dân tộc Việt Nam đã anh dũng chống lại các lực lượng xâm lược hùng mạnh, giữ yên non sông, bờ cõi. Trong chính quá trình này, truyền thống yêu nước hình thành một cách tự nhiên, ngày càng phát triển và trở thành một trong những giá trị truyền thống hàng đầu của dân tộc Việt Nam.
Trước hết, có thể thấy mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, lòng yêu nước sẽ được thể hiện khác nhau. Song đối với dân tộc Việt Nam, sức mạnh của lòng yêu nước trong tiến trình dựng nước và giữ nước là sự thể hiện của tinh thần bất khuất, ý chí tự cường, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập và văn hiến dân tộc. Cương vực, đất tổ của dân tộc Việt Nam là dãy đất hình chữ S. Đất không rộng, người không đông nhưng dãy đất này lại có vị thế địa chính trị quan trọng – là điểm nối giao thương từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Đồng thời, nước ta lại được thiên nhiên ưu ái với khí hậu tương đối ôn hòa và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Chính vì vậy, tiến trình dựng nước của dân tộc Việt Nam luôn song hành cùng với giữ nước. Đó là quá trình vừa khó khăn trong chinh phục thiên nhiên, nhưng càng khó khăn hơn khi vừa phải đấu tranh chống địch họa. Cả về tư tưởng và thực tiễn cho thấy, với sức mạnh của lòng yêu nước, dân tộc Việt Nam đã vững vàng vượt qua mọi trở ngại, giữ vững độc lập dân tộc và nêu cao khát vọng xây dựng nước giàu mạnh.
Về tư tưởng, lòng yêu nước khơi dậy ý chí quyết tâm bảo vệ bờ cõi, bảo vệ chủ quyền của đất nước khẳng định giá trị văn hiến riêng của dân tộc con Lạc, cháu Hồng. Nhân dân ta phải trải qua thời gian dài chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, địch họa lại là những lực lượng lớn mạnh. Trong buổi đầu dựng nước, địch họa là phong kiến phương Bắc hùng mạnh với âm mưu xưng đế. Tuy nhiên, với lòng yêu nước và ý chí bảo vệ độc lập đất nước, các triều đại phong kiến đã khơi dậy tinh thần yêu nước gắn với quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước trong nhân dân. Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt thể hiện rõ nét tinh thần ấy: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư Như nhà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”2.
Tinh thần ấy tiếp tục được Quang Trung Nguyễn Huệ khơi gợi và thể hiện quyết tâm quyết thắng: Đánh cho để dài tóc Đánh cho để đen răng Đánh cho nó chích luân bất phản Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ3.
Trên thực tế, xuất phát từ lòng yêu nước, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần yêu nước lại kết thành làn sóng mạnh mẽ. Trãi suốt lịch sử Việt Nam có thể thấy anh hùng, hào kiệt thời nào cũng có, đó là những tấm gương kiên trung,
bất khuất của sức mạnh lòng yêu nước. “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập”4, nên yêu nước gắn với hành động cứu dân, cứu nước và anh dũng chống lại kẻ thù xâm lược. Nhân dân ta từ già đến trẻ, hễ là người Việt Nam, ai cũng ra sức đánh giặc cứu nước. Tổng kết những gương anh hùng trong lịch sử dân tộc, trong tác phẩm Lịch sử nước ta5, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ghi rõ: Từ thiếu niên: “Thiếu niên ta rất vẻ vang. Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời. Tuổi tuy chưa đến chín mười. Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương”; Đến phụ nữ như Hai Bà Trưng “Ra tay khôi phục giang san. Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta” Hoặc Bà Triệu: “Tài năng dũng cảm hơn người. Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương”.
Cho nên: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”.
Tựu trung lại, Người đánh giá: “Xét trong lịch sử Việt Nam Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng. Nhiều phen đánh Bắc dẹp Đông, Oanh oanh liệt liệt con Rồng cháu Tiên”.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống yêu nước với chủ nghĩa Mác – Lênin dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh yêu nước được nâng lên tầm cao mới – yêu nước gắn với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Từ giữa thế kỷ XIX, dân tộc Việt Nam tiếp tục đối mặt với nguy cơ từ kẻ thù xâm lược mới, hùng mạnh hơn và trang bị vũ khí hiện đại hơn. Những phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của ông cha ta tiếp tục diễn ra nhưng đã không giành được thắng lợi. Tinh thần yêu nước cần phải được phát huy phù hợp với điều kiện mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và hệ tư tưởng khoa học – chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – chủ nghĩa yêu nước có sự kết hợp chặt chẽ với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Việt Nam thực hiện hai mục tiêu giành độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Truyền thống yêu nước kết hợp với hệ tư tưởng mới tạo thành sức mạnh thôi thúc mỗi người Việt Nam hăng hái “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”6. Sức mạnh của truyền thống yêu nước chấp thêm sức mạnh để ý Đảng, lòng dân hòa vào một, tạo nên thắng lợi của cách mạnh tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ truyền thống yêu nước, Nhân dân Việt Nam tin tưởng, đoàn kết xung quanh Đảng, thực hiện kháng chiến, kiến quốc và dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. Truyền thống yêu nước hóa sức mạnh nên không những “Nhân dân Việt Nam quyết không sợ”7, mà còn quyết tâm: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sức mạnh của ý Đảng, lòng dân thể hiện bằng hành động thiết thực với các phong trào: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,… Sự đồng thuận ấy tạo nên thành công to lớn như dự đoán của Hồ Chủ tịch: “nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to – là Pháp và Mỹ”8, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đến thắng lợi hoàn toàn. Tổng kết về phát huy truyền thống yêu nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nghị quyết Ðại hội lần thứ IV của Ðảng (tháng 12/1976) khẳng định: “Ðó là thắng lợi của cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngoan cường và bền bỉ, anh dũng và thông minh, của nhân dân và quân đội cả nước, đặc biệt là các đảng bộ miền Nam, các cán bộ và chiến sĩ công tác ở miền Nam và hàng chục triệu đồng bào yêu nước chiến đấu trên tuyến đầu Tổ quốc đã luôn nêu cao tấm gương kiên cường, bất khuất hơn 30 năm dưới ách quân xâm lược”9. Giành được độc lập dân tộc, Nhân dân ta tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa. Theo Hồ Chí Minh, đây là cuộc chiến đấu khổng lồ vì phải chống lại những cái lạc hậu, cũ kỹ và xây dựng xã hội mới văn minh. Nhưng với sức mạnh của lòng yêu nước, dân tộc Việt Nam đã vượt qua thử thách, vượt qua kẻ thù nghèo nàn, lạc hậu. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”10. Qua đó, đầu năm 2021 quy mô nền kinh tế khoảng 343 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.521USD; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình gần 6%/năm, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới; có cơ sở hạ tầng hiện đại; 02 lần là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc11, thế và lực của đất nước ngày càng nâng cao. Từ đây, truyền thống yêu nước của dân tộc mang giá trị mới – yêu nước gắn với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ba là, truyền thống yêu nước kết hợp chặt chẽ với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở giúp dân tộc Việt Nam đạt đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từng khẳng định: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”12. Từ đây, chủ nghĩa yêu nước được Người nâng lên tầm cao mới – yêu nước trên lập trường giai cấp vô sản. Đây cũng là cơ sở lý luận để Người nâng truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới. Người tin tưởng rằng, đã là người Việt Nam thì ai cũng có khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, người dân Việt Nam được ấm no, tự do và hạnh phúc. Người đã khơi dậy lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức họ, lãnh đạo họ thực hiện mục tiêu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng chính là sự thể hiện cụ thể của lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh. Do đó, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là hiện thân khát vọng của dân tộc Việt Nam và chính vì vậy, những gì đối lập với khát vọng của dân tộc Việt Nam thì đều là kẻ địch, là giặc cần phải chống. Nếu sau cách mạng tháng Tám, đối lập với khát vọng ấm no và tự do là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm thì hiện nay là nghèo nàn và lạc hậu, là sự tấn công, chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng, với nền tảng tư tưởng của Đảng. Bằng nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, các lực lượng thù địch tấn công nền tảng tư tưởng của cách mạng Việt Nam qua xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tách biệt giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận tính hợp pháp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; lợi dụng các sơ hở trong quản lý kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, thổi phồng, xuyên tạc, vu khống, lấy hiện tượng quy thành bản chất; xuyên tạc đường lối chính trị,… Tựu trung lại, những thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng là kẻ địch mới của truyền thống yêu nước hiện nay. Vì vậy, để đánh bại kẻ địch mới này, truyền thống yêu nước cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Đó là quyết tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân; là quyết tâm xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với những giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị của truyền thống yêu nước trong điều kiện mới: yêu nước gắn với yêu chủ nghĩa xã hội, với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng yêu cầu: “Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”13. Từ yêu cầu này, Người chú trọng tuyên truyền, nang cao ý thức về lòng yêu nước cho mọi người dân. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng điều kiện lịch sử cụ thể thông qua những khẩu hiệu phù hợp. Ví dụ, trước cách mạng tháng Tám thể hiện quyết tâm dù đốt cháy dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập dân tộc, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là quyết tâm Nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập, tự do. Ngoài ra, trong tuyên truyền, Người yêu cầu các cấp, các ngành phải đảm bảo tính hiệu quả. Người nói: “phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”14.
Trong điều kiện hiện nay, cần tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Thông qua đó, khi các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng trở nên phổ biến như hiện nay, hình thức tuyên truyền phải kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại và thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú trên nền tảng các mạng xã hội. Nội dung tuyên truyền cần chú trọng nêu bật những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới để qua đó, chứng minh sự lãnh đạo của Đảng trên nền tảng tư tưởng đúng đắn. Từ đó, tăng cường sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm chung sức bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ thành quả cách mạng trong dân tộc ta.
Thứ hai, hiện thực hóa các truyền thống yêu nước thông qua phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước nhằm huy động lực lượng đông đảo nhân dân xung quanh Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”15. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, để bảo vệ nền tảng tư tưởng, phải tập họp và phát huy sức mạnh của truyền thống yêu nước qua việc tập họp đông đảo nhân dân thực hiện có hiệu quả trên thực tế các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là việc xây dựng chính sách khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh. Tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tài năng, trí tuệ, phẩm chất, giá trị, sức mạnh con người Việt Nam; có cơ chế đào tạo, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung16. Đó là việc tiếp tục phát động và phát huy có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của các giai cấp, đội ngũ, lực lượng nhân dân nói chung như: phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, phong trào phụ nữ lập thân lập nghiệp, phong trào tuổi trẻ sáng tạo, xung kích bảo vệ Tổ quốc,…Qua các phong trào, cần chú trọng công tác tổng kết, khen thưởng, biểu dương và tuyên truyền nhân rộng gương người tốt, việc tốt – thể hiện tinh thần yêu nước trong thời đại mới. Đồng thời, tạo sức mạnh nội sinh – sức mạnh của truyền thống yêu nước – thực hiện có hiệu quả các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Thứ ba, phát huy hiệu quả công tác nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp nhằm tạo uy tín của Đảng trong Nhân dân. Tạo niềm tin để Nhân dân tin Đảng và xem việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thực sự là trách nhiệm của mỗi người dân. Hồ Chí Minh từng khen ngợi: đảng viên đi trước, làng nước theo sau, đó là đạo đức cách mạng, là tinh thần tiên phong gương mẫu của đội ngũ tiên tiến và giác ngộ nhất trong giai cấp và dân tộc. Vì vậy, phát huy truyền thống yêu nước trong điều kiện mới, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp cũng phải tiên phong, gương mẫu. Người khẳng định: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”17. Do đó, để phát huy giá trị truyền thống yêu nước trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đảng viên phải tiên phong gương mẫu kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gương mẫu học tập không ngừng để nâng cao đạo đức cách mạng và năng lực công tác; gương mẫu đấu tranh chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nước ta. Đồng thời, trong mọi hoạt động của mình, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp chú trọng thực hiện linh hoạt các biện pháp để không ngừng góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả trên thực tế việc xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ giá trị con người Việt Nam, gia đình Việt Nam thời kỳ mới, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn, thể chất; phát huy cao độ lòng yêu nước18, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. Đồng thời, chú trọng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện19. Trong đó, điểm then chốt là phát huy tinh thần yêu nước trên cơ sở giới quan và nhân sinh quan khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phát huy truyền thống yêu nước gắn với việc hình thành ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trong mối quan hệ gắn bó với gia đình và xã hội. Có ý thức khẳng định, tôn trọng cái tiến bộ, cái đẹp; tôn vinh, bảo vệ điều đúng, đấu tranh chống cái sai và tư tưởng lạc hậu. Trên cơ sở đó, nhận thức đúng đắn tính cách mạng, khoa học và tiến bộ của chủ nghĩa Mác – Lênin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn có hiệu quả những biểu hiện, những hành động phương hại đến lợi ích của dân tộc, xuyên tạc truyền thống yêu nước và xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó, trọng tâm là công tác phòng ngừa. Đó là việc chủ động nghiên cứu, phát hiện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch phá hoại “tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc”. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả trên thực tế việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định, pháp luật, răn đe những hành vi chống phá Đảng, Nhà nước và nền tảng tư tưởng của Đảng.
3. Kết luận
Truyền thống yêu nước là giá trị nội sinh làm nên sức mạnh của mỗi dân tộc trong tiến trình lịch sử. Đối với Việt Nam, yêu nước tạo thành sức mạnh để Nhân dân ta vững vàng đương đầu với những kẻ địch hùng mạnh, giữ vững độc lập dân tộc. Trong điều kiện mới, với sự soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước được nâng lên tầm cao mới – “Phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, tính cộng đồng và khơi dậy khát vọng vươn lên”20. Yêu nước gắn với bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng song hành nên phát huy sức mạnh của truyền thống yêu nước trở thành phương pháp hữu hiệu để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chính là phát huy truyền thống yêu nước trong giai đoạn mới. Cả hai yếu tố này cùng song hành sẽ tạo cơ sở tiếp nối những thắng lợi của cách mạng nhằm đưa dân tộc Việt Namvững vàng đi đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./
– Tài liệu tham khảo
- Ban Tuyên giáo Trung ương (2021): Báo cáo kế thừa và phát húy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (1997): Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập
- Hà Thị Bích Thủy, Hà Văn Luyến (Đồng chủ biên) (2020): Một số vấn đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
- Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
– Thông tin tác giả
Nguyễn Thị Thanh Hà
Năm sinh 1981
Chức vụ: Phó hiệu trưởng
Trường Mẫu giáo Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 081.969.3378
Email: Hamgtcc@gmail.com